CONG HUYEN TON NU NHA TRANG
THƯ VỀ THÀNH PHỐ BIỂN ©
Bé Tịnh Thủy của cô,
Cô mới nhận được một tấm ảnh do ba con chụp gởi khoe sự lớn lên của con. Cô thương nụ cười rạng rỡ và ánh mắt thu nhận của con nhìn về phía biển, đôi bàn chân xinh xắn được làn sóng nhỏ tấp vào vờn nhẹ. Nét hồn nhiên của con và cái mặc nhiên của cát, của biển, không biên giới, không ngăn cách, khơi dậy một nhung nhớ mênh mang đến thắt nghẹn ở cổ.
Cháu gái nhỏ năm tuổi của cô ơi! Cũng phải một, hai năm nữa con mới tập đọc. Và cô e rằng phải mười năm sau con mới bắt đầu ngẫm nghĩ và cảm thông những gì con đọc, nếu con tiếp tục có khuynh hướng đặt câu hỏi như lúc này khi con vẫn thường nói ra những thắc mắc ngây thơ mà có lý của con. Nhưng điều này không đáng quan tâm. Những cảm nghĩ cô ghi nhận một ngày nào đó sẽ là một món quà văn hóa nhỏ cho con từ một thời đã qua.
Ở một thời đã qua đó, vào thập niên 50, con đường chạy dọc theo bãi biển của thành phố mang tên Nha Trang không được đánh dấu bằng những quán giải khát có bàn ghế lành lặn nghiêm chỉnh như nhìn thấy trong hình, sau lưng con. Trái lại, lác đác đầu bãi, gần nhà bưu điện, chỉ có một vài quán nhỏ bán nước ngọt và nước dừa. Khiêm tốn. Lặng lẽ. Như những con đường không mờ mịt khói xe hơi và xe gắn máy, mà mở rộng trong lành khí biển với đa số dân thành phố cuốc bộ hay đi xe đạp.
Có xe đạp đi học thời đó là sang rồi. Cô theo học Võ Tánh, ngôi trường trung học nằm trên con đường im mát với hai hàng cây nối dài về hướng biển. Nói chung, nam học sinh đi xe đạp hay đèo nhau trên trên xe đạp nhiều hơn là nữ sinh, và nếu có cuốc bộ hình như họ cũng ít đi chung từng nhóm. Các cô nữ sinh thì khỏi nói. Cứ bộ hai, bộ ba, song song trên xe đạp hay trên đôi guốc nhịp nhàng, những tà áo dài trắng nuột nà phất phơ cánh bướm, ríu ra ríu rít như chim.
Nhịp sống thành phố cũng phong cách đó. Chậm rải. Khoan thai. Hiền lành. Không chen lấn, hối hả. Thì giờ dành cho việc vun xén tình người. Tịnh Thủy ơi! Gần bốn mươi năm qua, cô đã đi nhiều nơi, kinh nghiệm thăng trầm không kể hết, nhưng không hề quên cái đẹp, cái thâm trầm của văn hóa Việt nặng ở tình người, được xuất phát nuôi dưỡng bởi sự rộng lượng của biển Ðông.
Thật vậy, và lẽ tự nhiên, ký ức của cô về Nha Trang nhuốm đầy màu sắc, âm thanh, mùi vị dính liền với biển. Cô ra đời ở quê hương cát trắng đó, nhưng gia đình tản cư ra Huế khi cô còn nhỏ cho đến năm 1952 mới trở lại để cho cô biết và thương sinh quán của mình. Một hôm trong tuần lễ đầu tiên, cả nhà bới cơm đem theo xuống biển ăn chờ trăng lên và ngủ lại trên bãi cát trắng phau. Sau bữa cơm, cô rời mấy chiếc chiếu của gia đình, lửng thửng đi xa ra chừng hai mươi thước rồi ngồi xuống một mình, vùi hai bàn chân trong cát mịn và mát. Nhìn ra mặt biển mênh mông màu tím đậm nối liền với chân trời, cô như bị thôi miên bởi những đốm đèn nhỏ của những thuyền đánh cá ngoài khơi. Cô không còn nhớ rõ trong đầu óc mười một tuổi lúc đó cô có những mơ ước gì. Nhưng ấn tượng không quên là tiếng thì thầm nhịp nhàng của biển như lời ru ngọt ngào của mẹ, là cái liên tục vĩnh cửu của những làn sóng cuốn ra khơi rồi quay lại vào bờ. Như mời mọc phiêu lưu đồng thời với một hứa hẹn trở về. Trở về nơi đây, bãi biển quen thuộc thân thương với nhạc trầm của mẹ đại dương; với tiếng lách cách của chiếc kéo mà bác bán thịt bò khô đu đủ bào dùng đã quen tay quen nhịp, tiếng chuông reo vui của xe cà rem; với mùi thơm phức của mực khô nướng than được phết lên một lớp tương ớt tươi rói; với đậu phụng rang hay đậu phụng luộc còn nóng hổi, gói trong những tờ giấy xé ra từ vở học trò, được các em bé bán rong ân cần trao tận tay. Cái gì cũng nhẹ nhàng, lễ độ. Không chụp giựt, không xô bồ, nên cũng không cần thiết phải lo âu, sợ hãi. Cho đến năm 1959, đã gần chín giờ tối một đêm sáng trăng mà cô cùng người bạn thân là nữ sĩ Tuyết Linh vẫn còn điềm nhiên ngồi tâm sự ở bãi biển. Và vẫn với một điềm nhiên như vậy, dù có thêm chút xôn xao trong lòng, cô đã nhận từ tay một cô bé bán hàng rong hai gói đậu phụng rang "Của anh ngồi đàng kia gởi hai chị", kèm với mấy câu thơ viết cho cô.
Cách đây bốn năm, cô trở về thành phố biển thân thương tìm nhặt lại một chút lãng mạn ngày xưa. Cô bị lạc hướng, như đã từng thấy lạc hướng trong mấy chuyến về thăm thời kỳ chiến tranh. Ðại lộ ven biển láng mướt để phục vụ rất nhiều xe hơi và xe Honda; để thêm tiện nghi cho rất nhiều những khách sạn, những quán cà phê và quán bia mọc lên hai bên lề đường chiếm mất chố ngồi tự do cho người dân thành phố ngày xưa. Tiếng xe, tìếng nhạc, tiếng la lối làm lạc đi tiếng sóng trùng trùng. Biển mẹ vẫn thì thầm tiếng ru, nhưng sao âm điệu nghe gần như than thở. Thời đại kỹ thuật cao, máy móc nuốt mất nhân tính, đó là tình trạng chung của thế giới. Nhưng Nha Trang có cần phải trọn vẹn đánh đổi cá tính mình cho những vay mượn ít có lợi cho người địa phương, mà lợi nhiều cho các tay tư bản quốc tế?
Cô rất tiếc nuối, cho cô thì ít mà cho thế hệ con thì nhiều, vì dù sao cô cũng đã được có kinh nghiệm về Nha Trang một thời rất đẹp.
"Biển Nha Trang tím nghìn trùng"
Lời ai đó dậy vô cùng âm vang.Môt ngày nào đó, cô sẽ lại về thăm, để cho âm vang của biển khơi dậy bao nhiêu chuyện ấm lòng kể hết cho con nghe.
Thương,
Cô Thanh NhungSanta Fe, New Mexico
1996
- Return to:
- Top
- Fragments from Memory
- Home Page
Copyright © 1996 by Nha Trang Pensinger